Công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường

Mỗi một loại công nghệ đều sở hữu cho mình những đặc điểm riêng biệt và hướng tới thế giới hoàn toàn khác nhau. Công nghệ thực tế ảo tăng cường có vẻ phổ biến hơn so với thực tế ảo. Một minh chứng đắt giá chính là sự bùng nổ của của Pokemon Go trên khắp thế giới thời gian trước. Ngay những chiếc điện thoại thông minh hiện có cũng có thể giúp bạn trải nghiệm thực tế ảo tăng cường. Còn với thực tế ảo chúng ta cần sở hữu những chiếc kính đặc biệt để có thể trải nghiệm thế giới ảo đó.

Công nghệ thực tế ảo

Công nghệ này có tên tiếng Anh là Virtual Reality và chúng ta hay gọi với một cái tên ngắn gọn là VR. Chúng ta sẽ cần đến những chiếc kính chuyên dụng để có thể trải nghiêm công nghệ này. Khi người dùng sử dụng kính thực tế ảo, bạn gần như lạc mình với thế giới ảo với hình ảnh dựng lên hoàn toàn bằng kỹ thuật số do toàn bộ tầm nhìn đều được bao phủ bởi thiết bị. Tất cả đều là những khung cảnh ảo được tạo nên từ máy tính hoặc điện thoại.

Các thiết bị VR thường sử dụng 1 hay 2 màn hình đặt sát mặt bạn, đủ để đảm bảo bao phủ hoàn toàn tầm nhìn của bạn bằng màn hình đó. Đồng thời, trên thiết bị sẽ có các cảm biến theo dõi cử động đầu hay thậm chí toàn cơ thể của người dùng trong không gian thực và tái tạo lại thông tin điều hướng trong không gian ảo mà nó tạo ra.

Công nghệ thực tế ảo tăng cường

Có tên tiếng Anh là Augmented Reality và được gọi ngắn gọn là AR. Công nghệ thực tế tăng cường AR là sự kết hợp của thế giới thật với thông tin ảo, chứ không hề tách riêng biệt giữa thế giới ảo và thực như VR. Công nghệ AR sẽ bổ sung những chi tiết ảo được tạo bởi máy tính, smartphone vào thế giới thực để tăng cường sự trải nghiệm. Người dùng có thể thoải mái tương tác với những nội dung ảo ngay trong đời thực, như chạm vào, tóm lấy,... 

Các thiết bị thực tế ảo tăng cường sẽ sử dụng 1 trong 2 kính (hoặc camera) của thiết bị để cho phép người dùng nhìn thấy thế giới xung quanh họ theo thời gian thưc. Cái còn lại có nhiệm vụ thể hiện các phần tử kỹ thuật số (các hình ảnh, vật thể 3D...) ngay trong không gian thực tại đó. Các thiết bị AR hay VR có điểm tương đồng khi đều sử dụng các cảm biến theo dõi chuyển động cơ thể của người dùng

AR được phát triển dựa trên "computer vision" - một công nghệ cho phép thiết bị "hiểu" về thế giới thực xung quanh, từ đó có thể "đặt" các vật thể ảo kỹ thuật số đúng vào vị trí phù hợp trong không gian

Công nghệ VR thường được áp dụng vào giải trí, trải nghiệm, video 360 độ còn công nghệ AR dễ dàng áp dụng vào thực tế hơn với chiếc điện thoại vì hiện tại hầu hết điện thoại đều đã có camera cũng như các cảm biến đủ mạnh để nhận biết về thế giới bên ngoài. Trong khi đó, VR đòi hỏi phải có phần cứng mạnh mẽ mới cho một trải nghiệm thực sự, mà những thứ này không hề rẻ chút nào

Công nghệ thực tế ảo hỗn hợp

Công nghệ này chính là Mixed reality hay MR. Thực chất MR khá giống với AR và rất khó để phân biệt định nghĩa giữa chúng. Thuật ngữ MR được dùng khi các thiết bị cho phép bạn tương tác chặt chẽ hơn với các phần tử kỹ thuật số được tạo ra từ máy tính. MR đang có xu hướng trở nên hấp dẫn và thú vị hơn so với AR, đồng thời nó cũng yêu cầu phần cứng có sức mạnh xử lý cao hơn AR.

Hiện tại thực sự khó để phân biệt rạch ròi VR, AR, MR tuy nhiên chúng ta đều thấy đây là những xu hướng công nghệ thú vị và hứa hẹn mang đến nhiều những thay đổi cải tiến mới mẻ trong thời gian tới.